Rác thải nhựa đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và sức khỏe con người
Rác thải nhựa đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và sức khỏe con người
Vấn đề rác thải nhựa đang ngày càng trở nên cấp bách và ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường và sức khỏe con người trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Để hạn chế tác hại của rác thải nhựa, rất cần cộng đồng xã hội thay đổi nhận thức về việc sản xuất và sử dụng các sản phẩm liên quan, đặc biệt cần hướng tới sử dụng các chất liệu thay thế bằng chất dẻo tự phân hủy.
Đó là khẳng định của các nhà khoa học, chuyên gia, nhà quản lý về lĩnh vực khoa học, môi trường tại Hội thảo khoa học “Sản xuất và tiêu dùng sản phẩm chất dẻo tự phân hủy- Triển vọng thay thế sản phẩm nhựa sử dụng một lần tại Việt Nam”, do Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức ngày 23/11, tại Hà Nội.
Chia sẻ tại Hội thảo, GS-TS.Đặng Kim Chi- Ủy viên Hội đồng Tư vấn Khoa học- Giáo dục và Môi trường (Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam) cho rằng, sản phẩm nhựa và chất thải nhựa ngày càng phát sinh nhiều, chưa có các biện phát kiểm soát tích cực, gây nhiều tác động xấu, ô nhiễm môi trường, trong đó có chất thải là túi nil on khó phân hủy.
Theo thống kê, mỗi năm thế giới thải ra 300 triệu tấn rác thải nhựa, gần 1/3 số túi nilon con người thải ra không được thu gom và xử lý, hơn 9,1 tỷ tấn rác thải nhựa đang tích tụ trên trái đất. Rác thải nhựa và túi nilon thải ra môi trường đang tăng theo cấp số nhân, tàn phá môi trường sống của con người và cả thế giới động vật, đặc biệt là sinh vật biển. Mỗi sản phẩm từ nhựa cần từ 100 đến 1.000 năm mới có thể phân hủy hoàn toàn. Trong khi chờ các sản phẩm này phân hủy, con người sẽ phải sống cùng rác thải nhựa và đưa các chất độc hại từ nhựa thông qua chuỗi thức ăn...
Để bảo vệ môi trường trước những tác động tiêu cực của chất thải nhựa, GS-TS.Đặng Kim Chi đặt vấn đề, cần thiết phải có các giải pháp quản lý tổng hợp từ chính sách, quy hoạch phát triển sản phẩm nhựa. Cùng với đó, cần giáo dục, tuyên truyền hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa, tăng cường tái sử dụng và tái chế chất thải nhựa. “Các giải pháp công nghệ, kỹ thuật là rất cần thiết và cần được khuyến khích, đầu tư tạo điều kiện để có các kết quả áp dụng vào thực tế, góp phần phát triển đất nước”- GS.Chi nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, TS.Nguyễn Hoàng Linh- Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đo lường chất lượng (Bộ KH-CN) dẫn đánh giá của Viện Nghiên cứu Biển và Hải đảo (Bộ TN-MT) và cho rằng, Việt Nam là một trong những quốc gia có lượng chất xả ra biển nhiều thứ 4 trên thế giới, với khối lượng từ 0,28 đến 0,73 triệu tấn/năm (tương đương khoảng 6% tổng chất thải nhựa được thải ra biển của thế giới). Đáng chú ý, tại Việt Nam, rác thải thải nhựa chiếm khoảng 50 đến 80% rác thải biển...
Vì vậy, TS.Nguyễn Hoàng Linh khuyến nghị, trong thời gian tới, Việt Nam cần phát động các phong trào thúc đẩy sản xuất gắn liền với sử dụng, tái sử dụng sản phẩm của nền kinh tế tuần hoàn. Song song với đó, cần tăng cường tuyên truyền, nâng cao ý thức của cộng đồng về nguy cơ ô nhiễm nhựa, để tiến tới từ bỏ thói quen sử dụng túi nilon và các sản phẩm nhựa khó phân hủy; đồng thời chuyển sang sử dụng các sản phẩm nhựa phân hủy sinh học.
Nói về triển vọng thay thế sản phẩm nhựa sử dụng một lần, TS.Đinh Xuân Cường- Phó Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Tập đoàn An Phát Holdings cho biết, hưởng ứng lời kêu gọi của Chính phủ về bảo vệ môi trường, từ năm 2013 đến nay, một số DN đã chuyển hướng sang nghiên cứu, phát triển sản xuất các vật liệu và sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường, có nguồn gốc từ tự nhiên hay có khả năng phân hủy sinh học. Khác hoàn toàn với các sản phẩm nhựa thông thường (phải mất thời gian từ 100 năm, thậm chí 1.000 năm mới có thể phân rã và để lại nhiều vi nhựa cho môi trường), sản phẩm từ các vật liệu phân hủy sinh học hoàn toàn khi tiếp xúc với môi trường tự nhiên- tùy vào tính chất có thể phân hủy hoàn toàn thành nước, khí CO2 và mùn đất.
“Trong “nền kinh tế tuần hoàn”, các sản phẩm từ cây trồng như tinh bột, đường mía… lại được chuyển hóa thành nguyên liệu tái tạo, là đầu vào để sản xuất các nguyên vật liệu sinh học. Chu trình khép kín này tạo thành chuỗi giá trị xanh, hoàn toàn thân thiện với môi trường và không gây bất kỳ một ảnh hưởng tiêu cực nào”- ông Cường chia sẻ.
Tại Hội thảo, các chuyên gia cũng nhấn mạnh, nếu cộng đồng xã hội không sớm thay đổi nhận thức về vấn đề rác thải nhựa, tùy tiện xả thải ra môi trường, thì hậu quả sẽ trở thành gánh nặng ngày một lớn đối với thế hệ sau, hệ lụy đối với sức khỏe con người ngày một nghiêm trọng. Triển vọng thay thế sản phẩm nhựa sử dụng một lần tại Việt Nam hiện nay là hướng tới sản xuất và tiêu dùng sản phẩm chất dẻo tự phân hủy. Vì vậy, cần tích cực tuyên truyền, phổ biến về vấn đề này cho người dân; truyền thông rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng…
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Phùng Khánh Tài khẳng định, bảo vệ môi trường và chống rác thải nhựa là một nhiệm vụ trọng tâm của MTTQ Việt Nam, được quy định rõ trong văn bản của Đảng, pháp luật của Nhà nước và được cụ thể hóa trong Chương trình hành động của MTTQ Việt Nam. Những năm qua, công tác bảo vệ môi trường gắn với phong trào chống rác thải nhựa đã được Mặt trận các cấp duy trì thường xuyên và đạt những kết quả tích cực.
Tuy nhiên, theo ông Phùng Khánh Tài, tình trạng ô nhiễm môi trường, ô nhiễm rác thải nhựa đã và đang đặt ra nhiều thách thức cho sự phát triển bền vững. Đặc biệt, việc phân loại rác tại nguồn, tái sử dụng, tái chế, xử lý rác thải chưa đồng bộ, hiệu quả. Các giải pháp giảm thiểu chất thải rắn trong sinh hoạt chưa được chú trọng, việc áp dụng các công nghệ sản xuất sạch, thân thiện với môi trường còn hạn chế…
Vì vậy, trên cơ sở các ý kiến tại Hội thảo, ông Phùng Khánh Tài đề nghị BTC Hội thảo tổng hợp các ý kiến, đề xuất giải pháp để báo cáo về Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; từ đó có những kiến nghị với Đảng, Nhà nước và các cơ quan có thẩm quyền về bảo vệ môi trường, “chống rác thải nhựa” và sản xuất, tiêu thụ sản phẩm chất dẻo tự phân hủy.