NÓI KHÔNG VỚI RÁC THẢI NHỰA DÙNG 1 LẦN
(HNMO) - Cùng với cả nước, “nói không” với rác thải nhựa là một trong những mục tiêu mà ngành Công Thương Hà Nội đang hướng đến. Hiện mục tiêu này đã và đang được hiện thực hóa bằng những giải pháp đồng bộ tại các hệ thống phân phối, trung tâm thương mại, siêu thị bán lẻ trên địa bàn thành phố.
Người tiêu dùng Thủ đô thay đổi thói quen dùng túi xách sử dụng nhiều lần, góp phần bảo vệ môi trường.
Những chuyển biến tích cực
Bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc phụ trách Sở Công Thương Hà Nội cho biết, thời gian qua, Sở đã triển khai nhiều hoạt động chống rác thải nhựa gây ô nhiễm môi trường, trong đó đẩy mạnh tuyên truyền, vận động doanh nghiệp sản xuất, phân phối cùng chung tay giảm phát sinh rác thải nhựa từ sản xuất đến tiêu dùng.
“Đến nay, Sở đã nhận được bản cam kết của hơn 200 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thương mại, các khách sạn, nhà hàng, các ban quản lý chợ... trên địa bàn thành phố về việc không sử dụng túi ni lông khó phân hủy, chuyển đổi sử dụng túi tự hủy sinh học, túi môi trường sử dụng nhiều lần phục vụ nhu cầu mua sắm của khách hàng”, bà Trần Thị Phương Lan nói.
Hầu hết các siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn thành phố đã sử dụng các sản phẩm dùng một lần như: Khay, hộp, đĩa, bát… được sản xuất từ bã mía; thực hiện bao gói rau, củ, quả bằng các vật liệu có nguồn gốc tự nhiên; ngừng cung cấp ống hút nhựa, sử dụng ống hút được sản xuất từ giấy, bột gạo, tre nứa… tại các khu vực kinh doanh ăn, uống.
Là một trong những doanh nghiệp bán lẻ đi đầu trong việc “nói không” với rác thải nhựa, bà Nguyễn Thị Kim Dung, Giám đốc Siêu thị Co.opmart Hà Đông (quận Hà Đông) cho biết, từ năm 2011, hệ thống siêu thị Co.opmart đã thay thế 100% túi nilon bằng túi tự hủy sinh học. Đồng thời, phát động thu gom chất thải nhựa, chai nhựa đổi sản phẩm tiêu dùng; khuyến khích khách hàng sử dụng túi vải khi mua sắm tại siêu thị…
Cùng chung tay giảm thiểu rác thải nhựa không thể không nhắc đến những doanh nghiệp bán lẻ tiêu biểu khác như: Big C, Lotte Mart, MM Mega Market… Đáng chú ý, hệ thống siêu thị Vinmart và Vinmart+ đã triển khai chương trình “Đồng hành bảo vệ môi trường”. Theo đó, 2.200 điểm bán lẻ VinMart và VinMart+ trên cả nước, 850 điểm bán lẻ trên địa bàn thành phố giảm thiểu hoặc thay thế các vật liệu nhựa sử dụng một lần bằng các vật phẩm thân thiện môi trường, sử dụng túi tự phân hủy sinh học, khay xốp sử dụng cho sản phẩm tươi sống được thay thế bằng khay làm từ bã mía.
Đối với nhà sản xuất, VinMart hỗ trợ đối tác cung ứng các sản phẩm thân thiện với môi trường bằng nhiều chính sách đặc biệt, như bán hàng không lợi nhuận, quyền lợi ưu tiên trưng bày, quyền lợi về quảng cáo, nhận diện thương hiệu tại siêu thị, cửa hàng...
“Không chỉ được thực hiện ở các nhà phân phối, bán lẻ lớn, việc phòng, chống, giảm thiểu rác thải nhựa và túi ni lông tại hệ thống chợ, các cửa hàng thực phẩm, nông sản sạch cũng được UBND các quận, huyện, thị xã và các đơn vị quản lý kinh doanh khai thác chợ đưa vào nhiệm vụ trọng tâm, nhằm thay đổi nhận thức của bà con tiểu thương và thói quen của người dân”, bà Trần Thị Phương Lan cho biết.
Từ thay đổi nhận thức đến hành động cụ thể
Nhằm thay đổi nhận thức tiến tới từ bỏ thói quen sử dụng đồ nhựa dùng một lần, túi ni lông khó phân hủy, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 232/KH-UBND (ngày 25-10-2020) về việc phòng, chống rác thải nhựa và túi ni lông đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Trong đó, để hạn chế rác thải nhựa ở "nguồn" lớn nhất là hệ thống siêu thị, nhà hàng..., Sở Công Thương Hà Nội tiếp tục tuyên truyền đến các hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp, siêu thị, chuỗi nhà hàng, khách sạn trên địa bàn thành phố cam kết chung tay cùng Chính phủ, UBND thành phố giảm thiểu rác thải nhựa; đẩy mạnh hoạt động thu hồi, tái chế, tái sử dụng túi nilon, sản phẩm nhựa sử dụng một lần…
Đồng thời, các đơn vị đưa ra lộ trình sản xuất, kinh doanh các sản phẩm thân thiện với môi trường; xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất bao bì thân thiện với môi trường từ năm 2020.
Theo bà Trần Thị Phương Lan, mục tiêu đến ngày 31-12-2020, 100% trung tâm thương mại, siêu thị không dùng túi ni lông khó phân hủy; giảm 50% tỷ lệ sử dụng bao bì khó phân hủy tại các chợ dân sinh; 100% rác thải phát sinh tại các trung tâm thương mại, siêu thị, khách sạn, nhà hàng... được thu gom, phân loại tại nguồn.
“Để hỗ trợ các doanh nghiệp, Sở đề xuất các cơ chế, chính sách giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm, bao gói, túi xách thân thiện với môi trường; đẩy mạnh phát triển hạ tầng, dịch vụ thu gom, tái chế chất thải nhựa khó phân hủy sử dụng một lần và túi ni lông khó phân hủy; nghiên cứu cơ chế chuyển giao công nghệ tiên tiến tái chế chất thải nhựa khó phân hủy...”, bà Lan thông tin.